Thứ Hai, 6 tháng 5, 2019

Hương Vân Cái Bồ Tát và Quan Âm Tống Tử

Hương Vân Cái Bồ Tát và Quan Âm Tống Tử
Đỗ Hòa
Bài từ trang Fb của Đỗ Hòa
Có nhiều bạn gửi cho tôi ảnh chụp những tượng phật bồng trên tay một đứa trẻ kháu khỉnh và nêu thắc mắc những tượng Phật này có liên quan gì đến sự tích Hương Vân Cái Bồ Tát và Bát bộ Kim Cương nuôi dạy Kinh Dương Vương trưởng thành ở động Tiên Phi, Hoà Bình.
Qua tìm hiểu thì đây là tượng Quan Âm tống tử, được cho là 01 trong 32 hóa thân của Quan Thế Âm Bồ Tát trong hệ thống thờ tự Phật giáo. Có điều lạ là, Quan Âm tống tử khá phổ biến ở các chùa chiền miền Bắc nhưng rất hiếm gặp ở miền Trung và miền Nam. Đặc biệt Quan Thế Âm Bồ Tát vốn là thân nam nhưng đến Việt Nam đều biến thành thân nữ.
Quan Âm tống tử trong dân gian miền Bắc thường gọi là Quan Âm Thị Kính. Vị Bồ Tát này được lưu truyền trong dân gian từ lâu, đã đi vào thi ca, hội hoạ, điêu khắc, sân khấu.. rất nổi tiếng với vở chèo Quan Âm Thị Kính. Đây là hình tượng Phật Quan Âm được Việt Hoá, hoặc do người Việt xây dựng nên như Phật Mẫu Man Nương, Phật Bà Quan Âm, Phật Bà Chùa Hương, Bà Chúa Ba, Quan Âm Nam Hải...
Theo Gia phả họ Đỗ ở Bắc Ninh, truyện thơ Quan Âm Thị Kính do Đỗ Trọng Dư (1786 - 1868) sáng tác. Ông là người xứ Kinh Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh), đỗ Hương cống năm 1819, làm chức Tri phủ Quốc Oai. Năm 1876, con ông là cử nhân Đỗ Trọng Vĩ chép lại, đến năm 1948, thì tác phẩm được in ra (bản in chữ Quốc ngữ đề rõ là của Đỗ Trọng Dư).
Quan Âm trong kiếp Thị Kính được mô tả trong truyện Quan Âm Thị Kính có nhiều mô típ giống với Hương Vân Cái Bồ Tát, như bị chồng nghi ngờ ruồng dẫy, nên rời nhà đi tu. Ngài đã vượt qua hết thảy khó khăn, miệng tiếng thế gian, vừa nuôi con vừa tu tập thành chính quả. Rất có thể sự tích Hương Vân Cái Bồ Tát được lưu truyền nơi ông trị nhậm đã tạo hứng cho ông sáng tác truyện thơ trên (Cuộc tình duyên trắc trở của ngài với vua Đế Minh cũng được ghi lại trong sử phả, hẹn một dịp khác tôi sẽ biên ra hầu chuyện các bạn).
Trong những bức tượng Quan Âm Tống Tử có bức tượng được phát hiện ở ngôi chùa cổ Đông Lai, xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc thờ Hương Vân Cái Bồ Tát, mà tôi đã đến tận nơi để tìm hiểu.
Tượng thờ Ngài tạc bằng gỗ, sơn then, thếp vàng trong tư thế ngồi bế con, gương mặt đẹp, cổ cao ba ngấn theo tiêu chuẩn thẩm mỹ dân gian. Phục sức tượng khá đặc sắc, đầu đội mũ hoa, đeo hoa tai, mặc yếm đào, ngoài khoác áo dài, tay áo thụng buông dài mềm mại, từ vai có nhiều cánh sen buông xuống ngực và cánh tay. Tượng đặt trong bối cảnh núi rừng, có chim muông, hoa quả (con chim xanh được tác giả Truyện Quan Âm Thị Kính hư cấu thành thành chim vẹt hoá thân của Thiện Sĩ, chồng của Thị Kính). Cùng với tượng thờ còn đôi câu đối nguyên văn chữ Hán như sau:
- Định an vũ trọng quang từ nhật
- Di đà như niệm vọng Hương vân
Trong chùa còn giữ được một quả cầu linh vật bằng gỗ chò của tứ vị Hùng trấn thời Hùng Quốc Vương (Sau này được biết là quả phết). Dân làng ở đây còn truyền tụng bài thơ cổ có đoạn như sau:
Cảnh am cổ tích đã lâu
Trên giời dưới phật ngự về chùa am
Cảnh am có sắc vua ban
Người ngự bệ ngọc ngai vàng tòa sen
Như chúng ta đã biết, Miếu mộ Hương Vân Cái Bồ Tát và chùa Vân La, nơi có tượng thờ Ngài trước đây thuộc địa phận huyện Thanh Oai, Hà Tây. Thanh Oai cũng là nơi phát tích của Sứ quân Đỗ Cảnh Thạc. Ở đây ngoài miếu thờ Đỗ Cảnh Thạc còn có ngôi chùa thờ Hương Vân Cái Bồ Tát, gọi là chùa Bụt Mọc rất linh thiêng.
Trong cuốn hồi ký “Một chặng đường” của ông Nguyễn Ngọc Khoa, nguyên bí thư và Chủ tịch huyện Thanh Oai có đoạn nhắc đến ngôi chùa này như sau: “Điều đặc biệt quan trọng vùng quê tôi đó là chùa Bụt Mọc linh thiêng. Tương truyền rằng: Một ngôi chùa từ đâu không biết đã trôi dạt về bên bến Đỗ Động Giang, dân chúng được thần linh báo mộng là chùa của đức Phật A Di Đà sinh ra ở đây, nên từ đó phụng thờ gọi là chùa Đức Phật Hương Vân Cái Bồ Tát”.
Tôi cho rằng trước khi Đạo Phật thâm nhập vào Việt Nam, dân ta đã có đạo phật nguyên thuỷ. Phật Việt được gọi là Bụt. Trong chùa làng ba pho tam thế là ba ông Bụt:
Chùa làng có tự cổ sơ
Lớn lên đã thấy Bụt thờ ba ông
(ca dao)
Ngày nay, tín ngưỡng thờ “Bụt Mọc” vẫn hiện diện nhiều nơi trên miền Bắc nước ta, đặc biệt ở những ngôi chùa tọa lạc trong hoặc kề bên núi đá.Tục thờ Bụt cũng rất phổ biến ở người Mường.
Cùng với tín ngưỡng dân gian, các nhà nước phong kiến Việt Nam từ thời Đinh đã chủ tâm xây dựng hệ thống 72 đền miếu thờ tổ tiên Việt Tộc, mà ở đó các các vị Tổ tối cao, các anh hùng có công với nước đều hoá Phật, hoặc hiển Thánh. Khuôn viên chùa Việt Nam thường kết hợp chùa thờ Phật và điện thờ Mẫu.
Trong điện thờ Mẫu, Hương Vân Cái Bồ Tát từ địa vị Mẫu Thượng Ngàn được nâng cấp thành Thượng Thiên Thánh Mẫu. Đó là Mẫu Thượng Thiên- Vợ vua Đế Minh, mẹ Kinh Dương Vương. Mẫu Thượng Ngàn- Vợ Kinh Dương Vương là bà Hồng Đăng Ngàn và Mẫu Thoải- Vợ Lạc Long Quân là bà Âu Cơ. Hệ thống tượng đạo Mẫu còn có tượng Tứ vị chầu bà gồm ba vị trên và Đệ tứ Khâm Sai là vợ Hùng Vương thứ nhất. Ngoài các vị Tổ mẫu , trong điện thờ mẫu còn thờ các ông Hoàng, các quan, các cô các cậu như Ngũ vị tôn ông là hóa thân của 05 người con của Kinh Dương Vương...
Trong chùa thờ phật ở vị trí trung tâm tam bảo là tòa Cửu long, tượng trưng cho cửu tộc ban đầu hay trăm họ về sau chầu về đức Phật. Chính giữa tòa Cửu long là tượng Hương Vân Cái Bồ Tát được tạc là một bà già đầu cạo trọc, mặc váy đứng trên tòa sen (hoặc một phụ nữ vấn khăn, mặc áo dài như ở chùa Bà đá), một tay chỉ trời, một tay chỉ đất. Ngoài tượng Hương Vân Cái Bồ Tát còn có tượng Bát Bộ Kim Cương tay cầm vũ khí và những bộ tượng khác có xuất xứ từ hệ thống tượng thờ ở Nam thiên thất thập nhị từ (72 đền miếu thờ liệt vị tổ tiên dân tộc Việt), như Thập diện Minh Vương và một số tượng khác gọi là thập bát Long Thần tượng trưng cho các vua Hùng.