Thứ Hai, 13 tháng 2, 2017

Hội thề có một không hai ở Việt Nam

                                                                  
       Luật sư Lê Đức Tiết
     Với người Việt Nam, tháng giêng là tháng lễ hội. Trong nhiều lễ hội, lễ hội rằm tháng giêng âm lịch, còn gọi là Tết nguyên tiêu, được coi trọng nhất. Vào dịp này  người khắp nước nô nức đi trẩy hội. Họ đến các đình chùa làm lễ tưởng nhớ, tri ân những anh hùng, những người có công với nước với dân và ôn nhớ lại những thuần phong mỹ tục của cộng đồng cư dân. Bước sang năm mới, ai ai cũng có những ước nguyện với trời đất, thánh thần, tổ tiên. Người người cầu mong cho quốc thái dân an. Họ cầu phúc, cầu tài, cầu lộc cho bản thân, cho gia đình. Người gặp vận hạn  trong cuộc sống thì dâng lễ cúng sao mong được giải oan, giải hạn. Trong nhiều lễ hội khắp nước có lễ hội “Minh thệ”, nói theo cách nói ngày nay là  




                                          Bàn đá, cột đá tại sân chùa Hòa Liễu, nơi các quan chức
                                                            khắc ghi lời thề trước thần linh : “dĩ công vi tư đả tử”.  

hội thề chống tham nhũng, một lễ hội có từ lâu đời, nay vẫn được tiến hành tại khu  đình chùa Hòa Liễu thuộc xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Đây là một lễ hội đặc biệt và ít thấy ở Việt Nam. Trên phạm vi thế giới cũng chưa nghe thấy nơi đâu có lễ hội quan chức thề với trời đất là không tham nhũng. Theo các nhà sử học, dựa trên thư tịch cổ và vật chứng hiện sưu tầm được thì Hội Minh thệ do bà Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn – vợ Mạc Đăng Dung, Thái tổ triều Mạc, lập ra từ năm 1527. Hàng năm, cứ đến rằm tháng giêng, các quan lại trong triều tụ họp về đây để làm lễ Minh thệ. Lễ bắt đầu cử hành bằng cách đọc bản Minh thệ với nội dung là các quan thề với trời đất, thánh thần hết lòng mẫn cán và liêm khiết trong công vụ. Trong số có câu thề rằng: “dĩ công vi công, thần linh phù trợ, dĩ công vi tư, đả tử”, nghĩa là lấy của công làm việc công thì được thần linh giúp đỡ, nếu lấy của công làm của tư thì bị tội chết. Tiếp đó viên quan chủ lễ cầm kiếm chỉ trời, vạch đất, chém vào cột đá và xướng hô “Xin thề”. Các quan dự lễ thề đồng loạt hưởng ứng hô vang “Xin thề” và uống cạn ly rượu có pha máu con vật hiến tế. Tiếp theo phần lễ thì có phần hội bao gồm kéo co, đấu vật, đánh cờ người, hát ca trù, hát trống quân, hát đúm, hát chèo, hát tuồng v.v…
   Tính phổ biến của lễ hội Minh thệ rộng hẹp đến đâu thì đến nay chưa tìm thấy cứ liệu nào nói đến. Sử liệu cho biết, đến thời nhà Nguyễn, các vua Minh Mạng (1820-1841), Tự Đức (1848-1883) đã sắc phong cho chùa. Lễ hội Minh thệ vẫn được tiếp tục duy trì tại nơi vừa là đình, vừa là chùa Hoa Liễu, nơi vẫn còn cột đá và bàn đá từ xa xưa còn lại ở xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải phòng. Điều này chứng tỏ sức sống bền lâu của lễ hội Minh thệ trong nhân dân. Dưới chế độ dân chủ, lễ hội Minh thệ được khôi phục lại từ năm 1993. Đến nay đã được 25 năm. Có điều khác xưa là tham gia hội thề ngày nay chỉ có các chức sắc cấp thôn. Trong hội thề hôm 14 tháng Giêng Đinh dần (10/02/2017) có một số ít quan chức cấp huyện, cấp xã về tham dự nhưng không tham gia thề.
     Nhiều cán bộ Đảng, chính quyền địa phương cho biết trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đình chùa Hoa Liễu là địa điểm nuôi dấu cán bộ hoạt động bí mật rất tin cậy. Trong các cuộc kháng chiến, xã Hòa Liễu đã có hơn 1000 thanh niên nhập ngũ. Toàn xã có 154 liệt sĩ, 43 thương binh và 8 bà mẹ được phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Xã Hòa liễu vẫn giữ được bản Hương ước cổ. Những thuần phong mỹ tục vẫn được dân làng duy trì. Người dân nơi đây vẫn giữ được nếp sống hòa thuận. Những hiện tượng tranh chấp đất đai của nhau hoặc lấn chiếm đất công rất ít xẩy ra và nếu có xẩy ra thì được giải quyết trên tinh thần hòa giải, nhân nhượng lẫn nhau không đến mức phải đưa nhau ra Tòa. Nơi đây không có khiếu kiện đông người, khiếu kiện dài ngày về đất đai xẩy ra.
      Cuộc sống thuần hậu của nhân dân xã Hòa liễu không phải bổng nhiên có. Rõ ràng là nó bắt nguồn từ một hội thề mang tính nhân văn cao đẹp đã hình thành trên 600 năm nay.
     Trên đường về, nhóm hành hương lễ hội Minh thệ có dịp đi ngang qua địa phương nơi sẽ khai mạc lễ hội khai ấn đền Trần vào đúng nửa đêm rằm tháng giêng Âm lịch. Khác với lễ hội Minh thệ tại đình chùa Hòa Liễu, nơi đã được Nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hoá quốc gia, khách hành hương về dự hội đền Trần đông gấp bội phần. Lễ “khai ấn và ban ấn” được tiến hành dưới triều Trần, bắt đầu từ năm 1239. Cứ đến rằm tháng giêng, vua Trần cho mở hội đãi tiệc, khai ấn ban thưởng cho các vị quan có công với Triều đại. Hiện nay có đến 5 địa phương bao gồm: Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Hà Nam, Thanh hóa làm lễ khai ấn và phát ấn đền Trần. Mỗi nơi có đến hàng vạn khách thập phương đến xin ấn. Việc tổ chức lễ hội khai ấn , phát ấn đền Trần được tổ chức với quy mô hoành tráng hơn nhiều lần so với quy mô lễ hội Minh thệ. Người có được ấn đền Trần được xem là có cơ hội thăng quan tiến chức, phát lộc, phát tài trong năm mới. Người xin ấn không chỉ có quan chức mà có cả những người không làm việc trong bộ máy nhà nước. Họ không chỉ xin một mà xin nhiều bản cho cả người thân. Số người xin ấn vượt khả năng đáp ứng của cơ quan tổ chức. Vì vậy xẩy ra nạn làm ấn giả. Người muốn có ấn thật đền Trần phải ngã giá với cò. Cảnh chen lấn mất trật tự mà chính quyền địa phương phải huy động lực lượng Công an đông đến nhiều ngàn người mà vẫn có lúc an toàn, an ninh vượt ra khỏi tầm kiểm soát của lực lượng chuyên trách.    
      Khách tham dự hành hương không khỏi băn khoăn. Lễ hội Minh thệ ở chùa Hòa Liễu mang tính nhân văn rất sâu đậm. Ước gì lễ hội này được tiến hành rộng rãi hơn với quy mô to lớn hơn để góp phần ngăn chặn phần nào tệ tham nhũng đang gây nhiều nhức nhối trong xã hội Việt Nam./.