Thứ Năm, 19 tháng 12, 2019

PHÁT HIỆN BÃI CỌC CỔ Ở TIÊN LÃNG - https://vnexpress.net/thoi-su/phat-hien-bai-coc-nha-tran-gan-nghin-nam-tuoi-4029517.html

Phát hiện bãi cọc nhà Trần gần nghìn năm tuổi

HẢI PHÒNGViện khảo cổ học Việt Nam đang khai quật bãi cọc với nhiều chỉ dấu có từ những năm 1270, thời Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
Bãi cọc lim nằm sâu dưới lớp bùn trầm tích trên cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên. Ảnh: Giang Chinh.
Bãi cọc lim nằm sâu dưới lớp bùn trầm tích trên cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên. Ảnh: Giang Chinh.
Sau thời gian khai quật, ngày 18/12, một phần bãi cọc nhọn bằng gỗ lim phát lộ dưới lớp bùn tại 3 hố khai quật trên cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên. Cọc được đóng sâu đến 2,5 m, đầu cọc có "ngoàm" dùng để luồn dây kéo hoặc mộng ở giữa thân. Mỗi cọc có đường kính từ 20-50 cm, chôn cách nhau 5-7 m. Cọc được đóng xuống lòng đất theo phương thẳng đứng, hoặc nghiêng 20-15 độ theo hướng tây, nam.
Đoàn khảo cổ đã đánh số và che đậy các hiện vật phát lộ.
Trước đó, hai mẫu cọc được giám định bằng phương pháp đồng vị phóng xạ Cacbon 14 cho kết quả niên đại từ năm 1.270 đến 1.430. Từ đây, các nhà khảo cổ học, nhà nghiên cứu lịch sử nhận định cánh đồng Cao Quỳ chính là di tích bãi cọc liên quan trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288 chống quân xâm lược Mông Nguyên. Vị trí bãi cọc là sông Đá Bạch xưa.
Các cọc đều bằng gỗ lim, có đường kính 20-50 cm, đầu vót nhọn, được đóng thẳng đứng và nghiêng 15-20 độ theo hướng tây hoặc nam. Ảnh: Giang Chinh.
Các cọc đều bằng gỗ lim, có đường kính 20-50 cm, đầu vót nhọn, được đóng thẳng đứng hoặc nghiêng 15-20 độ theo hướng tây, nam. Ảnh: Giang Chinh.
Bãi cọc được ông Nguyễn Tuân Triệu, thôn 3, làng Mai Động phát hiện hôm 1/10, trong lúc đào đất trồng cau tại cánh đồng Cao Quỳ. Ông cùng gia đình đã đào hai chiếc cọc chuyển về lưu giữ tại đình làng Mai Động.
Hay tin, Bảo tàng Hải Phòng, Phòng Văn hóa thông tin huyện Thủy Nguyên và UBND xã Liên Khê về đình làng lấy mẫu hai cọc gỗ đưa đi giám định, đồng thời bảo quản hiện vật.
Ông Nguyễn Đức Hiền, người dân Liên Khê cho hay, dân làng ở đây biết về bãi cọc này từ nhiều năm trước, nhưng không ai nghĩ có từ thời nhà Trần nên quá trình làm ruộng va phải đều nhổ bỏ.
Theo tài liệu lịch sử, Liên Khê xưa thuộc tổng Trúc Động, huyện Thuỷ Đường phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương. Nơi đây còn lưu truyền huyền tích lịch sử về những trận chiến chống quân xâm lược phương Bắc, trong đó có chiến thắng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Trúc Động được lấy làm căn cứ để tiến ra cửa sông Bạch Đằng, sông Chanh tiêu diệt và bắt sống thuỷ binh của đế quốc Nguyên Mông.
Giang Chinh

Thứ Tư, 3 tháng 7, 2019

GIỚI THIỆU CUỐN: "GIẢI MÃ KỲ MÔN ĐỘN GIÁP"


            “Tam thức” là tên gọi chung để chỉ ba môn thuật số: “Kỳ môn”, “Thái ất” và “Lục nhâm”. Thuyết xưa cho rằng đây là ba môn “tuyệt học”có thể “đoạt thiên địa tạo hóa”, nghĩa là có thể chỉ đạo người đời nắm vững quy luật của tự nhiên, vận dụng các yếu tố về thời gian, không gian làm cho nó phát huy hết sức mạnh vô hình, tạo phúc cho thiên hạ.
            Xét về nguồn gốc cả ba bộ môn trên đều bắt nguồn và có mối liên hệ mật thiết với “Kinh dịch”, nội dung mà cả ba môn đều chứa đựng khá đầy đủ tri thức về mọi mặt như: thiên văn, địa lý, toán học, binh pháp, lịch pháp, dân tục..v.v. Nếu như “Lục nhâm” được các nhà thuật số học gọi là “Tam thức chi tối” tức môn học đứng đầu trong Tam thức; và “Thái ất” được suy tôn là đạo học “Phò tá Quân Vương”; thì “Kỳ môn” được gọi là: “Cái học thuật của các bậc Đế Vương”. Trong phạm vi cuốn “Giải mã Kỳ môn Độn giáp” này xin độc giả cho phép chúng tôi đi sâu hơn vào thuật số “Kỳ môn Độn giáp”.
            “Theo sử liệu Trung Hoa ghi chép thì Kỳ môn Độn giáp thành sách vào thời Chu,  tức là trong khoảng thời gian từ (1046 TCN) đến  (256 TCN). Về sau kinh qua các nhà quân sự, các chính trị gia, các nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong Tam giáo: Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo chỉnh lý và bổ sung mới có thể trở thành một học thuyết”. (Trích từ cuốn: “Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa” của tác giả Bạch Huyết, tại trang 119, sách do nhà xuất bản Văn hóa ấn hành năm 2001). Tuy nhiên trong cuốn “Kim hàm Ngọc kinh Kỳ môn Độn giáp”của tác giả Lưu Bá Ôn, tại trang 16, sách do nhà xuất bản Thời đại ấn hành năm 2013). Các nhà thuật số Trung Hoa đã vô tình thừa nhận: “Người ta thường cho rằng Kỳ môn Niên gia thường lấy năm Giáp Tý thời Hoàng Đế hiệu Hùng Thị tại vị (năm - 2679 TCN) làm khởi đầu của Thượng nguyên Kỳ môn Độn giáp để suy đoán”. Như vậy có thể khẳng định rằng: Tổ tiên Việt của chúng ta mới chính là chủ nhân của “Tam thức” và đã sớm sử dụng thuật số “Kỳ môn Độn giáp thức” trước người Trung Hoa khoảng thời gian dài đến hơn cả ngàn năm. Ngoài ra chúng ta lại có thêm căn cứ để  khẳng định rõ hơn về Triều đại Hùng Vương (Hoàng Đế hiệu Hùng Thị) là hoàn toàn có thật. Nhận thức đó của chúng tôi không ngoài mục đích tìm hiểu sâu sắc thêm về nguồn gốc và chân giá trị đích thực của thuật số “Kỳ môn”.  
            Thuật số “Kỳ môn” xưa được vận dụng khá triệt để trong lãnh vực quân sự. Ngoài ra cũng có thể vận dụng để chiêm đoán cho một số nội dung khác nữa. Như chiêm đoán vận mệnh, thi cử, cầu tài, quan lộc, xuất hành đi xa, thời tiết mưa nắng v.v… Mục đích chính hướng đến của “Kỳ môn “ là phương pháp sáng tạo thời cơ có lợi, khống chế phương vị bất lợi để đạt được mục đích thành công. Người ta cho rằng: “Cơ hội không thể mất, thời gian không thể quay trở lại”. Sự cố gắng của thuật “Kỳ môn” tức là ở chỗ không để cơ hội bị mất. Bởi vậy mà nhiều ngàn năm qua, “Kỳ môn” được lưu truyền không dứt, nó được gắn liền với những câu truyện truyền thuyết về những “Bát quái trận đồ” thắng địch, thần diệu và bí ẩn. Có thể nói đó chính là sự biểu hiện khát vọng chiến thắng và sự minh chứng khả năng vận dụng thỏa đáng yếu tố không gian và thời gian của thuật số “Kỳ môn”xưa.
            Sách viết về “Kỳ môn Độn giáp” từ xưa và đến nay in ấn ở ta không nhiều, chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Ngoài mấy cuốn như “Giải nghĩa triết học phương Đông Kỳ môn Độn giáp” của Nguyễn Mạnh Bảo, sách do nhà xuất bản Lao động ấn hành năm 2006. Cuốn: “Kim hàm ngọc kinh Kỳ môn Độn giáp” của Lưu Bá Ôn, sách do nhà xuất Thời đại ấn hành năm 2013. Và cuốn “Tìm hiểu về văn hóa phương Đông Kỳ môn Độn giáp” của tác giả Đàm Liên, do nhà xuất bản Thời đại ấn hành năm 2010, thì khó có thể tìm thêm được cuốn nào khác. Ngoài ra nội dung các cuốn sách kể trên thấy rất khó có thể gợi mở, để độc giả ham hiểu biết muốn khám phá, tìm tòi nội dung cốt lõi của môn thuật số này được thấu triệt.
            Với mong muốn để các độc giả có thêm tài liệu nghiên cứu sâu hơn về bộ môn thuật số “Kỳ môn Độn giáp”. Môn thuật số được các học giả nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa phương Đông và các nhà thuật số học gọi là “Cái học thuật của các bậc Đế Vương”. Sau nhiều năm khảo cứu và biên soạn, chúng tôi quyết định viết thành cuốn: “Giải mã Kỳ môn Độn giáp” gửi đến độc giả, để cùng nhau trao đổi và chia sẻ những tri thức quý báu của Tiền nhân Bách Việt xưa, cùng nhau kế thừa và phát huy giá trị đặc sắc văn hóa của dân tộc.
            Do kiến thức hạn hẹp, trong quá trình biên soạn khó có thể tránh khỏi những hạn chế và xảy ra sai sót ở phương diện nào đó. Rất mong được các quý độc giả mở lòng lượng thứ cho chúng tôi. Xin chân thành cảm ơn !

                                           Hà Nội. Ngày 10 tháng 2 năm 2019.
                                                             Tác giả:Nguyễn Vân Liên

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2019

KHỎ HAY KHÔNG LÀ DO MÌNH


Nguồn: Fb Nguyễn Tài Đức
Lời dẫn : Chúng tôi xin trích dẫn một bức thư cảm ơn trong hàng ngàn lá thư gửi đến nhà cụ Nguyễn Đức Cần như một tư liệu để các bạn tham khảo
Kính gửi: Cụ Nguyễn Đức Cần
Kính thưa cụ.
Con là Nguyễn Văn Dốc, ở số nhà 378 Bạch Mai - Hà Nội.
Thưa cụ, nhà con là Nguyễn Thị Lũng bị bệnh ung thư lưỡi, đã được cụ cứu giúp và đã khỏi bệnh.
Toàn thể gia đình chúng con vui mừng được đội ơn cụ và xin phép cụ cho chúng con được tạ ơn cụ bằng sự trình bày tình tiết bệnh của nhà con như sau:
Kể từ tháng 12 năm 1980, nhà con tự nhiên sinh bệnh. Lúc đầu chỉ là một cái nhọt ở má, sau lan sang lưỡi, làm lưỡi bị nứt và có một nốt mụn ở giữa, ăn uống không thấy ngon, không nhận biết được hương vị mặn ngọt ra sao cả. Ngày không ăn được, đêm lại nói năng lung tung, hò hát như người điên. Thật là khác thường.
Gia đình chúng con hết lòng lo chạy chữa thuốc thang. Con đã đưa vợ con đến bệnh viện K, các bác sỹ xét nghiệm, kết luận là ung thư lưỡi.
Bệnh viện K đã điều trị bằng những loại thuốc chữa bệnh ung thư và cắm kim truyền, nhưng bệnh trạng của nhà con không có hiện tượng thuyên giảm. Chúng con phải cầu cứu sang cả bệnh viện Việt - Đức, được bác sỹ Tôn Thất Tùng và bác sỹ Vân khám, và kết luận là ung thư lưỡi, cho tiêm thuốc. Bác sỹ Diệp trực tiếp trông nom điều trị, đã cấy thuốc miễn dịch vào lưỡi cho nhà con.
Nhưng bệnh của nhà con không thấy thuyên giảm mà ngày càng nặng thêm. Chúng con cũng hiểu về bệnh ung thư, trên thế giới chưa có thể chữa khỏi, như thế chỉ còn chờ chết.
Ngoài việc thuốc thang không khỏi, gia đình chúng con cũng nghe bà con mách bảo đến việc lễ bái mọi nơi và bốc bát nhang thờ cúng. Đầu tiên phải bốc hai bát hương thờ, dần dần thành sáu bát và lập thêm một bát hương ở ngoài trời, hàng ngày phải hương hoa, vào ngày rằm, mồng một phải sửa lễ mỗi lần là bảy con gà, thậm chí phải đưa lễ bằng một đồng cân vàng và tiền mặt. Song song cả hai việc chữa bệnh ở bệnh viện và lễ bái thường xuyên nhưng bệnh tình của nhà con vẫn không khỏi.
Phúc duyên sao, con lại được chính bác sĩ Dậu ở bệnh viện K mách bảo cho con chỉ còn một con đường tìm đến cửa cụ, nếu được cụ nhận lời cứu giúp thì mới khỏi được.
Lần đầu tiên chúng con đến, cụ chưa nhận lời, cụ bảo cứ về. Tuy vậy, chúng con cứ liên tục tới cửa cụ vài ba ngày một lần để kêu xin cụ.
Cuối cùng cụ đã nhận lời và hẹn đến đầu tháng tám âm lịch năm Tân Dậu. Kể từ ngày cụ nhận lời, từ hôm đó nhà con đã bắt đầu ngủ được và đến ngày mồng hai tháng tám âm lịch, vợ chồng con đến để kêu xin cụ.
Cụ dạy: ở đây không có cúng lễ gì cả, nếu hiểu và biết sửa mình, ăn ở đối xử sao cho đúng nghĩa, thì mọi việc đều tốt cả. Khỏi hay không là ở mình.
Qua những lời dạy quí báu của cụ, ngay lúc đó, nhà con đã chắp tay quỳ xuống xin cụ thương cho, để tự mình tu sửa cho được tốt đẹp như lời cụ dạy.
Kể từ ngày mồng hai tháng tám âm lịch, bệnh tình của vợ con ngày được khỏi dần, bắt đầu ngủ được, và lưỡi bắt đầu dần dần nhận biết được các hương vị của món ăn, đêm không còn hò hát như trước nữa. Đặc biệt, gia đình chúng con không còn thắp hương ở sáu bát hương thờ và hàng tuần không phải tốn kém sửa lễ, không phải đi lễ bái kêu cầu ở đâu cả. Chúng con đã nghĩ và xác định chỉ còn cầu cụ là xong.
Mỗi ngày, gia đình chúng con càng thêm phấn khởi vì sự tiến triển khỏi bệnh của nhà con, cụ đã cho nhà con có sức khoẻ bình thường, có thể đi xe đạp hàng chục cây số về quê thăm bà con họ hàng.
Trong quá trình con đưa vợ lên xin cụ chữa bệnh, chính con cũng có bệnh ở gan, vì trước con đã mổ ở bệnh viện 103, khi mổ xong con vẫn cứ tiếp tục đau, đi chụp điện lại, phát hiện là phổi dính vào lá lách, thành ra rất khó thở, lại thêm chứng bệnh đau dạ dày gần 20 năm nay.
Cụ đã cho con khỏi hết các bệnh và có sức khoẻ bình thường. Tiếp đến các con cháu của con, từ đó đến nay nếu có bệnh tật ốm đau đều lên xin cụ và về thì các cháu, con đều khỏi bệnh. Toàn gia đình con, nhờ cụ đều được khoẻ mạnh, có sức khoẻ làm ăn và học hành tiến bộ.
Chúng con đã được nghe và chính mắt nhìn thấy cụ đã giải cho nhiều gia đình ốm đau, điên rồ, thờ cúng linh tinh, sinh mê tín và tốn kém biết bao tiền của. Do đó, chúng con làm đơn trình xin cụ giải cho gia đình chúng con và cụ đã chấp nhận. Ngày 25 tháng chạp, cụ đã cho phép chúng con hạ sáu bát hương thờ tại gia và mang đến cửa cụ. Cụ dạy cho phép bày những bát hương ở ngoài sân, để ngày Tết bà con đến xem.
Trước khi cụ nhận lời cho hạ bát hương, gia đình chúng con suy nghĩ, khi bắt đầu trân trọng đặt bát hương thờ và khi muốn hạ xuống không phải tuỳ thích hay tự nhiên mà làm được. Nếu không được cụ thương mà giải cứu cho, chắc chắn không ai dám hạ.
Chúng con hiểu rằng, phúc duyên không phải là một chuyện đơn giản và phải biết nghe lời cụ dạy bảo, biết tự sửa mình, chứ tiền bạc nào có thể mua được
Thưa cụ, chúng con không biết nói gì hơn và cầu chúc cụ sống mãi để cứu độ cho mọi người có phúc, có duyên.
Hà Nội ngày 22 tháng 4 năm 1982
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải đang xem chồng thư cảm ơn gửi cụ Nguyễn Đức Cần của hàng ngàn người được cụ chữa bệnh.

Thứ Hai, 6 tháng 5, 2019

Hương Vân Cái Bồ Tát và Quan Âm Tống Tử

Hương Vân Cái Bồ Tát và Quan Âm Tống Tử
Đỗ Hòa
Bài từ trang Fb của Đỗ Hòa
Có nhiều bạn gửi cho tôi ảnh chụp những tượng phật bồng trên tay một đứa trẻ kháu khỉnh và nêu thắc mắc những tượng Phật này có liên quan gì đến sự tích Hương Vân Cái Bồ Tát và Bát bộ Kim Cương nuôi dạy Kinh Dương Vương trưởng thành ở động Tiên Phi, Hoà Bình.
Qua tìm hiểu thì đây là tượng Quan Âm tống tử, được cho là 01 trong 32 hóa thân của Quan Thế Âm Bồ Tát trong hệ thống thờ tự Phật giáo. Có điều lạ là, Quan Âm tống tử khá phổ biến ở các chùa chiền miền Bắc nhưng rất hiếm gặp ở miền Trung và miền Nam. Đặc biệt Quan Thế Âm Bồ Tát vốn là thân nam nhưng đến Việt Nam đều biến thành thân nữ.
Quan Âm tống tử trong dân gian miền Bắc thường gọi là Quan Âm Thị Kính. Vị Bồ Tát này được lưu truyền trong dân gian từ lâu, đã đi vào thi ca, hội hoạ, điêu khắc, sân khấu.. rất nổi tiếng với vở chèo Quan Âm Thị Kính. Đây là hình tượng Phật Quan Âm được Việt Hoá, hoặc do người Việt xây dựng nên như Phật Mẫu Man Nương, Phật Bà Quan Âm, Phật Bà Chùa Hương, Bà Chúa Ba, Quan Âm Nam Hải...
Theo Gia phả họ Đỗ ở Bắc Ninh, truyện thơ Quan Âm Thị Kính do Đỗ Trọng Dư (1786 - 1868) sáng tác. Ông là người xứ Kinh Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh), đỗ Hương cống năm 1819, làm chức Tri phủ Quốc Oai. Năm 1876, con ông là cử nhân Đỗ Trọng Vĩ chép lại, đến năm 1948, thì tác phẩm được in ra (bản in chữ Quốc ngữ đề rõ là của Đỗ Trọng Dư).
Quan Âm trong kiếp Thị Kính được mô tả trong truyện Quan Âm Thị Kính có nhiều mô típ giống với Hương Vân Cái Bồ Tát, như bị chồng nghi ngờ ruồng dẫy, nên rời nhà đi tu. Ngài đã vượt qua hết thảy khó khăn, miệng tiếng thế gian, vừa nuôi con vừa tu tập thành chính quả. Rất có thể sự tích Hương Vân Cái Bồ Tát được lưu truyền nơi ông trị nhậm đã tạo hứng cho ông sáng tác truyện thơ trên (Cuộc tình duyên trắc trở của ngài với vua Đế Minh cũng được ghi lại trong sử phả, hẹn một dịp khác tôi sẽ biên ra hầu chuyện các bạn).
Trong những bức tượng Quan Âm Tống Tử có bức tượng được phát hiện ở ngôi chùa cổ Đông Lai, xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc thờ Hương Vân Cái Bồ Tát, mà tôi đã đến tận nơi để tìm hiểu.
Tượng thờ Ngài tạc bằng gỗ, sơn then, thếp vàng trong tư thế ngồi bế con, gương mặt đẹp, cổ cao ba ngấn theo tiêu chuẩn thẩm mỹ dân gian. Phục sức tượng khá đặc sắc, đầu đội mũ hoa, đeo hoa tai, mặc yếm đào, ngoài khoác áo dài, tay áo thụng buông dài mềm mại, từ vai có nhiều cánh sen buông xuống ngực và cánh tay. Tượng đặt trong bối cảnh núi rừng, có chim muông, hoa quả (con chim xanh được tác giả Truyện Quan Âm Thị Kính hư cấu thành thành chim vẹt hoá thân của Thiện Sĩ, chồng của Thị Kính). Cùng với tượng thờ còn đôi câu đối nguyên văn chữ Hán như sau:
- Định an vũ trọng quang từ nhật
- Di đà như niệm vọng Hương vân
Trong chùa còn giữ được một quả cầu linh vật bằng gỗ chò của tứ vị Hùng trấn thời Hùng Quốc Vương (Sau này được biết là quả phết). Dân làng ở đây còn truyền tụng bài thơ cổ có đoạn như sau:
Cảnh am cổ tích đã lâu
Trên giời dưới phật ngự về chùa am
Cảnh am có sắc vua ban
Người ngự bệ ngọc ngai vàng tòa sen
Như chúng ta đã biết, Miếu mộ Hương Vân Cái Bồ Tát và chùa Vân La, nơi có tượng thờ Ngài trước đây thuộc địa phận huyện Thanh Oai, Hà Tây. Thanh Oai cũng là nơi phát tích của Sứ quân Đỗ Cảnh Thạc. Ở đây ngoài miếu thờ Đỗ Cảnh Thạc còn có ngôi chùa thờ Hương Vân Cái Bồ Tát, gọi là chùa Bụt Mọc rất linh thiêng.
Trong cuốn hồi ký “Một chặng đường” của ông Nguyễn Ngọc Khoa, nguyên bí thư và Chủ tịch huyện Thanh Oai có đoạn nhắc đến ngôi chùa này như sau: “Điều đặc biệt quan trọng vùng quê tôi đó là chùa Bụt Mọc linh thiêng. Tương truyền rằng: Một ngôi chùa từ đâu không biết đã trôi dạt về bên bến Đỗ Động Giang, dân chúng được thần linh báo mộng là chùa của đức Phật A Di Đà sinh ra ở đây, nên từ đó phụng thờ gọi là chùa Đức Phật Hương Vân Cái Bồ Tát”.
Tôi cho rằng trước khi Đạo Phật thâm nhập vào Việt Nam, dân ta đã có đạo phật nguyên thuỷ. Phật Việt được gọi là Bụt. Trong chùa làng ba pho tam thế là ba ông Bụt:
Chùa làng có tự cổ sơ
Lớn lên đã thấy Bụt thờ ba ông
(ca dao)
Ngày nay, tín ngưỡng thờ “Bụt Mọc” vẫn hiện diện nhiều nơi trên miền Bắc nước ta, đặc biệt ở những ngôi chùa tọa lạc trong hoặc kề bên núi đá.Tục thờ Bụt cũng rất phổ biến ở người Mường.
Cùng với tín ngưỡng dân gian, các nhà nước phong kiến Việt Nam từ thời Đinh đã chủ tâm xây dựng hệ thống 72 đền miếu thờ tổ tiên Việt Tộc, mà ở đó các các vị Tổ tối cao, các anh hùng có công với nước đều hoá Phật, hoặc hiển Thánh. Khuôn viên chùa Việt Nam thường kết hợp chùa thờ Phật và điện thờ Mẫu.
Trong điện thờ Mẫu, Hương Vân Cái Bồ Tát từ địa vị Mẫu Thượng Ngàn được nâng cấp thành Thượng Thiên Thánh Mẫu. Đó là Mẫu Thượng Thiên- Vợ vua Đế Minh, mẹ Kinh Dương Vương. Mẫu Thượng Ngàn- Vợ Kinh Dương Vương là bà Hồng Đăng Ngàn và Mẫu Thoải- Vợ Lạc Long Quân là bà Âu Cơ. Hệ thống tượng đạo Mẫu còn có tượng Tứ vị chầu bà gồm ba vị trên và Đệ tứ Khâm Sai là vợ Hùng Vương thứ nhất. Ngoài các vị Tổ mẫu , trong điện thờ mẫu còn thờ các ông Hoàng, các quan, các cô các cậu như Ngũ vị tôn ông là hóa thân của 05 người con của Kinh Dương Vương...
Trong chùa thờ phật ở vị trí trung tâm tam bảo là tòa Cửu long, tượng trưng cho cửu tộc ban đầu hay trăm họ về sau chầu về đức Phật. Chính giữa tòa Cửu long là tượng Hương Vân Cái Bồ Tát được tạc là một bà già đầu cạo trọc, mặc váy đứng trên tòa sen (hoặc một phụ nữ vấn khăn, mặc áo dài như ở chùa Bà đá), một tay chỉ trời, một tay chỉ đất. Ngoài tượng Hương Vân Cái Bồ Tát còn có tượng Bát Bộ Kim Cương tay cầm vũ khí và những bộ tượng khác có xuất xứ từ hệ thống tượng thờ ở Nam thiên thất thập nhị từ (72 đền miếu thờ liệt vị tổ tiên dân tộc Việt), như Thập diện Minh Vương và một số tượng khác gọi là thập bát Long Thần tượng trưng cho các vua Hùng.